8/4/25

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ.


 

Dự án có vị trí thực hiện tại thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

Mục tiêu đầu tư của dự án là đầu tư nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, mở rộng các dịch vụ du lịch, tạo việc làm và nâng cao mức sống cho lao động. Góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Dự án có diện tích đất dự kiến 69.998 m2, với các hạng mục xây dựng như: Khu resort, biệt thự villa, bungalow, khu hành chính và công trình phụ trợ, khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh, khu thể thao ngoài trời và nhà đa năng.

Tổng mức đầu tư của dự án là 210 tỷ đồng. Dự án được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về tiến độ thực hiện, dự án sẽ hoàn thành thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất trong vòng 12 tháng kể từ ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (3/4/2025) của UBND tỉnh Quảng Bình. Hoàn thành và đưa vào sử dụng trong vòng 36 tháng kể từ ngày có quyết định cho thuê đất.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm, nhà đầu tư trúng đấu giá đất để thực hiện dự án có trách nhiệm làm việc với Sở Tài chính để thực hiện biện pháp ký quỹ, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư trong thời gian 6 tháng kể từ ngày trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo Sở Tài chính Quảng Bình cho biết, đối với dự án này, trong vòng 24 tháng, nếu nhà đầu tư trúng đấu giá đất không hoàn thành thủ tục thuê đất thực hiện dự án theo quy định thì quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ không còn giá trị pháp lý. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đầu tư và các chi phí liên quan đến dự án.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải lập quy hoạch chi tiết trong phạm vi khu đất thực hiện dự án, thực hiện các thủ tục về môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt. Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, quy hoạch, đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, du lịch, giao thông, phòng cháy chữa cháy…

Được biết, đây là dự án du lịch nghỉ dưỡng thứ 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu vực cồn cát phía Đông xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Trước đó, trong năm 2016, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã cấp chủ trương đầu tư cho 1 dự án khác là Nhà hàng khách sạn khu nghỉ dưỡng Đàn Điểm. Dự án ông Lê Văn Đàn, trú tại xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình (Giám đốc Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Tâm Anh) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 30,2 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công vào năm 2018 và đến nay đã hoàn thành các hạng mục xây dựng, nhưng chưa đưa vào hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Nguồn: Theo Báo Đầu Tư

6/4/25

Trong bối cảnh thị trường bất động sản dần hồi phục, chính sách nới lỏng tín dụng sẽ giúp dòng vốn rẻ được bơm ra thị trường. Điều này giúp thị trường bất động sản có thể đón nhiều làn sóng đầu tư trong thời gian tới.


 

Nguồn cung bất động sản hồi phục

Dù chưa có động thái giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất huy động đã giảm khá nhanh trong thời gian gần đây. Ngân hàng nhà nước cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, tương đương với 2,5 triệu tỉ đồng sẽ được "bơm" ra thị trường, trong đó có bất động sản.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dòng tiền rẻ được bơm ra thị trường chắc chắn sẽ tìm đến các kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời tốt và có khả năng tích trữ tài sản lâu dài. Trong bối cảnh vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục và biến động lớn, thì bất động sản và chứng khoán sẽ là những lựa chọn hàng đầu để dòng tiền trú ẩn.

Đặc biệt là bất động sản vốn nhạy cảm với các chu kỳ tiền tệ có thể sớm phản ứng với đà giảm lãi suất, tạo ra làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới. Nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phục hồi và Ngân hàng Nhà nước có nhiều động thái cho thấy sự gia tăng cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. 

Nguồn cung bất động sản cũng đang trên đà phục hồi, tăng trưởng tích cực. Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, thị trường bất động sản ghi nhận khoảng 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023. Nguồn cung bất động sản nhà ở năm 2025 dự kiến cũng sẽ phục hồi trên diện rộng với mức tăng khoảng 10% so với năm 2024. Trong trung hạn, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục xu hướng tăng, từ các dự án bất động sản được tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua và được cấp phép mới, bao gồm cả các dự án nhà ở xã hội.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2024 đã có 210 dự án bất động sản được tháo gỡ tái triển khai trở lại. Số lượng dự án được cấp phép mới trong năm 2024 cũng tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước và sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Bởi Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tin rằng, thời gian tới, khi các bộ luật mới liên quan đến nhà ở, đất đai và kinh doanh bất động sản được triển khai, cùng với kế hoạch sáp nhập các tỉnh, thành, sẽ hạn chế các bất cập, tồn tại, hỗ trợ giảm bớt nhiều thủ tục, pháp lý thực hiện dự án.

Tỷ lệ hấp thụ trong năm 2025 dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức trên 70% dù tốc độ hấp thụ có chậm lại do mức giá tại một số khu vực, phân khúc đã tăng cao và tăng nhanh. Đồng thời giá bất động sản cũng còn nhiều động lực tăng trong bối cảnh áp lực lạm phát cận kề.

Ưu tiên làm nhà ở xã hội

Tuy nhiên, dù chính sách tín dụng được nới lỏng, các ngân hàng vẫn duy trì sự kiểm soát đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản.

Theo đó, Thông tư số 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 39/2016 đang được áp dụng, giúp hạn chế rủi ro đối với hệ thống tài chính ngân hàng và hỗ trợ thanh lọc ngành bất động sản, loại bỏ các doanh nghiệp bất động sản với những dự án không đủ điều kiện mở bán, phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy, hỗ trợ những doanh nghiệp lành mạnh, có sức khỏe tài chính tốt, có năng lực và kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án.

Với người tiêu dùng bất động sản, Thông tư 06/2023 cũng quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... của các khoản vay mua nhà để ở, đặc biệt là các khoản vay với số tiền lớn.

Ngoài ra, Thông tư 06/2023 cũng đã quy định một số nhu cầu vốn mà tổ chức tín dụng không được phép cho vay, bao gồm cho vay để chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch với bên thứ ba, cho vay để thanh toán tiền đặt cọc đối với các dự án bất động sản hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện pháp lý theo quy định, cho vay bù đắp tài chính, tức là cho vay để bù đắp các chi phí mà khách hàng đã thanh toán bằng vốn tự có hoặc vốn vay từ các cá nhân, tổ chức khác (không phải tổ chức tín dụng) nhằm thực hiện phương án, dự án kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống.

Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực với những quy định có nội dung định hướng tương tự, từ đó sẽ giảm thiểu rủi ro kinh doanh của ngành, giảm rủi ro cho khách hàng, giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Về lâu dài, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ phụ thuộc điều kiện lãi suất chung trên thị trường cũng như sức diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức phù hợp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là khi FED dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2025, tạo dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Quá trình tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ căn hộ đến văn phòng cho thuê, nhà xưởng, bất động sản bán lẻ… Để đón đầu cơ hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản cần có chiến lược phù hợp để thích nghi với sự thay đổi của thị trường tín dụng.

Theo đó, doanh nghiệp cần tập trung vào các phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, căn hộ trung cấp để dễ dàng tiếp cận vốn vay. Đồng thời tăng khả năng hấp thụ sản phẩm khi người mua nhà để ở tận dụng lợi thế về tín dụng.

Với nhà đầu tư BĐS, để giảm thiểu rủi ro, cần hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao và tránh chạy theo những sản phẩm bị "thổi" giá. Thay vào đó, nên ưu tiên các khu vực có tiềm năng phát triển thực sự, hạ tầng hoàn thiện và nhu cầu thực tế cao nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư dài hạn.

Nguồn: Theo Đình Sơn - Báo Thanh Niên

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. 


 

Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán, đặc biệt là chính sách của Mỹ và phản ứng của các nước. Sự gia tăng bất ổn về địa chính trị và chính sách thương mại đã gây áp lực lên đầu tư và chi tiêu hộ gia đình. Căng thẳng thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước, nguy cơ chiến tranh thương mại đang hiện hữu đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng... gia tăng. Trong bối cảnh tăng trưởng yếu đi và lạm phát giảm xuống của các tháng đầu năm, nhiều quốc gia đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.

Đối với Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.

Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP , nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70% , đóng góp 53,74%. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong quý I với sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng gỗ khai thác và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá nhờ ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2025 tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,67% nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,98%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm. 

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,71%), đóng góp 2,39 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,28%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,60%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,81%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,76%, làm giảm 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,99%, cao hơn so với tốc độ tăng 7,57% của quý I/2024, đóng góp 0,48 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán và số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao góp phần cho tăng trưởng của ngành thương mại và dịch vụ đạt mức tăng khá cao.

Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế quý I năm nay như sau: Ngành vận tải kho bãi tăng 9,90% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,67 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,31%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 7,47%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,83%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 6,66%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,56%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,31%; khu vực dịch vụ chiếm 43,44%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,69%.

Về sử dụng GDP quý I/2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước, tích lũy tài sản tăng 7,24%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,71%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,45%. 

Nguồn: CafeF -  Giang Anh - Nhịp sống thị trường

5/4/25

Quảng Bình - Nhiều vướng mắc về mặt bằng tại Dự án thành phần 1 - Đường ven biển đang từng bước được tháo gỡ, tạo đà đẩy nhanh tiến độ thi công.


 

Vận động, hỗ trợ dân tháo dỡ tài sản

Thời gian qua, các địa phương và chủ đầu tư đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, tích cực phối hợp xử lý các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án thành phần 1 - Đường ven biển.

Ông Nguyễn Ngọc Quý – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông cho biết, mặc dù trước đó mặt bằng đã được bàn giao 71,06/80km (đạt 88,8%), nhưng phần còn lại kéo dài nhiều tháng do vướng công trình nhà ở, tài sản và nhất là các trang trại nuôi trồng thủy sản (NTTS) của người dân.

Toàn tuyến hiện còn 21 hộ dân có hoạt động NTTS và chăn nuôi bị ảnh hưởng, trải dài tại các địa bàn: Đồng Hới, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Ba Đồn. Những điểm vướng này gây chia cắt mặt bằng, khiến nhà thầu thi công khó khăn, phải “nhảy cóc”, vừa tốn kém, vừa kém hiệu quả.

Trung tá Phan Quang Thành - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhật Lệ cho biết, đơn vị đã phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng, đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ tháo dỡ các hạng mục liên quan đến NTTS.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp người dân dọn dẹp, tháo dỡ tài sản trong khu vực thi công để đẩy nhanh tiến độ”, ông Thành nói.

Tại gói thầu Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú (15,5km), sau thời gian dài đình trệ, liên danh các nhà thầu gồm Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương-Công ty CP Hải Đăng-Công ty CP Cầu đường 10 hiện đang triển khai hàng chục mũi thi công nhờ được bàn giao thêm mặt bằng. Theo ông Phan Vĩnh - tư vấn dự án, hiện đã thảm xong khoảng 10km chiều dài tuyến. Dự kiến thời gian tới, nhà thầu sẽ được bàn giao thêm 500m và nếu thời tiết thuận lợi, mặt bằng thông suốt, công trình sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ UBND tỉnh yêu cầu.

Tại gói thầu Nam Roòn - Quảng Phúc (21,9km), ông Phạm Quang Biên - tư vấn giám sát cho biết, còn vướng khoảng 800m, chủ yếu tại huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn. Các địa phương và chủ đầu tư đang nỗ lực bàn giao nốt phần còn lại trong tháng 5 để không làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể.

Dự án có vai trò chiến lược

Theo ông Hồ Chí Lâm - Trưởng phòng Dự án 1 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông, Sở Xây dựng), tính từ đầu tháng 3.2025, một số hộ dân xã Hải Ninh đã bàn giao mặt bằng sau khi được vận động. Nhờ đó, nhà thầu có thêm 200m để tiếp tục thi công. Một số hộ còn lại đang trong quá trình áp giá đền bù.

Hiện các hạng mục cầu cống, công trình thoát nước cơ bản đã hoàn thành tại những khu vực đã có mặt bằng. Các nhà thầu đang đẩy mạnh thi công nền và móng đường. Đến thời điểm này, khối lượng xây lắp đã đạt khoảng 714/1.463 tỉ đồng, tương đương 49%. Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Dự án thành phần 1 - Đường ven biển Quảng Bình có tổng chiều dài 80km, gồm ba đoạn: Nam Roòn – Quảng Phúc (21,9km), Nam cầu Lý Hòa – Quang Phú (15,5km) và Hà Trung – Mạch Nước (42,6km, không bao gồm đoạn 5,8km qua FLC do nhà đầu tư tự thực hiện). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.197 tỉ đồng, đi qua địa bàn 16 xã, phường thuộc 6 huyện, thị xã và thành phố; ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ dân và 37 tổ chức.

Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận của người dân và nỗ lực của các đơn vị liên quan, Quảng Bình đang từng bước tháo gỡ “nút thắt” GPMB, yếu tố then chốt quyết định thành công của dự án trọng điểm này.

Nguồn: Theo Báo Lao Động. 

4/4/25

Trong kịch bản lạc quan nhất, thị trường bất động sản vẫn có thể phát triển, bất chấp các “cơn gió ngược”. Kết quả này đạt được nhờ việc Chính phủ duy trì ổn định nền kinh tế và phát huy sức mạnh nội lực của đất nước.


 

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, TS. Trần Xuân Lượng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản của nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng, khi chịu sức ép từ lệnh áp thuế 46% của Mỹ.

1. Kịch bản thiếu tích cực: Đầu tư suy giảm và kinh tế khó khăn

Kịch bản này xảy ra khi chính sách thuế quan của Mỹ gây tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Các doanh nghiệp FDI trong các ngành xuất khẩu sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc duy trì sản xuất và cạnh tranh, đặc biệt trong các ngành dệt may, giày dép, điện tử. Điều này sẽ dẫn đến sự giảm sút trong dòng tiền FDI, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và giảm nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản.

Trong kịch bản này, thị trường địa ốc sẽ chịu tác động lớn. Theo đó, các doanh nghiệp FDI sẽ cắt giảm sản xuất và xuất khẩu, nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp cũng vì vậy mà suy giảm theo. 

Không dừng lại ở đó, trong kịch bản bi quan, mức thu nhập của người lao động giảm, từ đó dẫn đến sự suy giảm trong mức tiêu dùng (C) và đầu tư (I). Các phân khúc bất động sản không thiết yếu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, làm giảm nhu cầu đối với nhà ở cao cấp và các dự án thương mại.

2. Kịch bản lạc quan: Việt Nam vươn mình nhờ nội lực 

Kịch bản này đánh giá mức thuế quan từ Mỹ sẽ tạo ra sự suy giảm trong xuất khẩu và giảm đầu tư FDI. Tuy nhiên, Nhà nước đã có những biện pháp chuẩn bị và cải cách sâu rộng, giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng và duy trì sự phát triển bền vững. Ngoài ra, phân khúc nhà ở xã hội tiếp tục được đẩy mạnh nhờ các chính sách hỗ trợ và gói vay ưu đãi.

Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng và tăng cường nội lực sẽ đến từ việc.

Cải cách hành chính và phân cấp: Chính phủ thực hiện cải cách hành chính, sáp nhập các tỉnh thành và tăng năng suất lao động. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí và tạo ra sự linh hoạt trong việc triển khai các dự án bất động sản mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tăng cường đầu tư nội địa: Chính phủ thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, từ đó khiến dòng tiền chuyển từ khối ngoại sang khối nội. 

Kiều hối ổn định: Dòng kiều hối ổn định từ người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục duy trì đà tiêu dùng và đầu tư trong nước.

Trong kịch bản lạc quan, Nhà nước sẽ ổn định nền kinh tế, tiếp tục giữ đà phát triển bền vững. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp dân tộc, sẽ giúp thị trường bất động sản trụ vững trước các “cơn gió ngược”. 

3. Kịch bản trung tính: Sự tăng trưởng hỗn hợp và thách thức đan xen

Kịch bản trung tính là tình huống mà nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ nhưng sẽ không gặp phải một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn sẽ đối mặt với sự tăng trưởng chậm lại và một số thách thức trong việc duy trì ổn định, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, thuế quan vẫn sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và đầu tư FDI. Tuy nhiên, những ảnh hưởng sẽ không đến mức làm suy giảm toàn bộ nền kinh tế. Các doanh nghiệp ngoại sẽ phải cắt giảm một số khoản đầu tư và điều chỉnh chiến lược sản xuất, dẫn đến sự giảm sút trong các dự án bất động sản công nghiệp. Dẫu vậy, sự suy giảm này sẽ không quá nghiêm trọng và các doanh nghiệp trong nước vẫn có cơ hội tận dụng các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy đầu tư vào các phân khúc bất động sản khác.

Về tổng quan, mức tăng trưởng GDP có thể không tăng trưởng mạnh mẽ như trước. Dẫu vậy, đà tăng vẫn giữ được ở mức độ ổn định. Trong đó, mức chi tiêu (C) và đầu tư (I) sẽ giảm nhẹ nhưng không giảm quá sâu, nhờ vào các biện pháp kích thích từ Chính phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhà ở xã hội và hạ tầng công cộng.

Trong kịch bản này, phân khúc bất động sản cao cấp và khu công nghiệp vẫn bị ảnh hưởng do nhu cầu giảm. Tuy nhiên, loại hình nhà ở xã hội và các dự án cơ sở hạ tầng có thể sẽ duy trì ổn định. Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án này để đảm bảo nguồn cung nhà ở cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh suy giảm tiêu dùng.

Nguồn: Theo Báo Đầu Tư 

3/4/25

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình, địa phương này vừa chính thức cho phép ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) thuê gần 29.800m2 đất tại Cảng hàng không Đồng Hới để triển khai dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 cùng hạng mục mở rộng sân đỗ máy bay. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án hơn 1.863 tỷ đồng.


 

Trong đó, dự án thành phần 1: xây dựng Nhà ga hành khách T2 là điểm nhấn quan trọng, với quy mô phục vụ 3 triệu lượt khách/năm sau khi hoàn thành, chủ yếu phục vụ hành khách nội địa. Dự án này dự kiến sẽ được khởi công trong quý 2/2025 và hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý 4/2026.

Nhà ga sẽ được xây với 2 cao trình, diện tích khoảng 17.567m2 sàn sử dụng; xây dựng hệ thống hạ tầng cầu cạn trước nhà ga, sân đỗ ô-tô, đường giao thông kết nối và các hệ thống khác bảo đảm đồng bộ khai thác hiệu quả.

Đến thời điểm hiện tại, ACV đã hoàn tất công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng cho hạng mục cọc, móng. Đồng thời, các hồ sơ mời thầu của hai gói thầu lớn liên quan đến phần móng của nhà ga cũng đã được phát hành.

Song song với việc xây dựng nhà ga mới, ACV cũng triển khai dự án thành phần 2: mở rộng sân đỗ máy bay, nhằm tăng khả năng tiếp nhận và điều phối máy bay trong giờ cao điểm. Dự án đã được khởi công từ ngày 15/8/2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2025.

Hiện tại, các nhà thầu đang gấp rút thi công các hạng mục quan trọng. Dự kiến, khi hoàn tất, số lượng vị trí đỗ máy bay tại sân bay Đồng Hới sẽ tăng từ 4 lên 8 vị trí, góp phần giảm tải áp lực hiện hữu.

Với công suất thiết kế hiện tại khoảng 500.000 lượt khách/năm, nhưng thực tế sân bay Đồng Hới đã liên tục khai thác vượt quá ngưỡng, đặc biệt trong năm 2025, dự kiến sản lượng hành khách có thể cán mốc 1 triệu lượt. Điều này khiến hệ thống cơ sở hạ tầng tại đây liên tục chịu áp lực quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và năng lực khai thác.

Việc mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng hiện tại mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các hãng hàng không mở thêm đường bay mới. Đây cũng là tiền đề để Quảng Bình hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch, giao thương quan trọng tại miền Trung.

Nguồn: CafeLand

2/4/25

 Các chuyên gia cho rằng giá bất động sản nói chung và giá nhà ở nói riêng đang bước vào giai đoạn "uptrend" (xu hướng tăng giá) trong 10 năm tiếp theo. Riêng trong năm 2025, giá sản phẩm được mở bán mới có thể tăng trưởng một chữ số. Lưu ý rằng đà tăng này không thể đột biến trong ngắn hạn mà cần trải qua giai đoạn tích lũy. 

 


Thị trường nhà ở Việt Nam đã chính thức chạm đáy vào năm 2023, chuyển biến tích cực hơn từ năm 2024 và đến nay đã có tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn cả về giao dịch lẫn tâm lý thị trường nói chung. Xuyên suốt năm 2024, thị trường căn hộ sơ cấp ở Hà Nội được đánh giá là một điểm sáng nổi bật trong bức tranh phục hồi chung của toàn thị trường bất động sản nhà ở.

Chia sẻ tạichương trình Data Talk | The Catalyst Số 04 do VietnamBiz và WiGroup đồng tổ chức, ông Tạ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Đầu tư Bất động sản CTCP FIDT, đánh giá bên cạnh yếu tố vĩ mô đang tốt lên, thị trường bất động sản còn một động lực quan trọng khác là kỳ vọng về "kỷ nguyên vươn mình".

Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là kế hoạch, chiến lược của Nhà nước, Đảng và Chính phủ. Hoạt động đầu tư công cũng như mức độ tăng cung tiền trong nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh, kéo theo sự tăng trưởng của tài sản là bất động sản.

"Nhìn từ góc độ là đơn vị tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, trong khoảng 10 năm tới (2025 - 2035), thị trường bất động sản sẽ nằm trong trend tăng giá rất tiềm năng và ấn tượng. Mặc dù thị trường ngày càng phát triển nhiều loại hình sản phẩm tài chính nhưng sự yêu thích của người Việt đối với bất động sản cũng như tỷ trọng bất động sản trong cơ cấu danh mục tài sản sẽ không dễ bị điều chỉnh nhiều, ông Tùng nhận định.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Triều, CEO Blue Bridge Investment Partners, cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo tăng trưởng thu nhập, tăng trưởng tiết kiệm và chắc chắn giá trị bất động sản sẽ tăng lên. Khi nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng như được kỳ vọng, cùng với thói quen đầu tư thì bất động sản là một tài sản luôn luôn được yêu thích, có mặt trong rổ tài sản của người dân Việt Nam.  

Song,CEO Blue Bridge Investment Partners lưu ý rằngnhìn từ góc độ đầu tư và ở thực đều khó có thể kỳ vọng giá nhà tiếp tục tăng trưởng đột biến trong thời gian tới. Muốn tăng trưởng cần thêm một giai đoạn tích lũy và tạo nền, tương tự như cổ phiếu.

Giá sản phẩm nhà ở mới có thể tăng trưởng một chữ số trong 2025 

Trong chương trìnhWebinar diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, bà Lưu Bích Hồng, Trưởng phòng cao cấp Phòng nghiên cứu và phân tích Vietcap, cho biết mặt bằng lãi suất đã dần hạ nhiệt so với thời điểm đầu năm 2023, qua đó giúp giảm bớt áp lực tài chính và củng cố niềm tin của người mua nhà, thúc đẩy nhu cầu mua ở thực.

Sự phục hồi này đang được củng cố trong năm 2025, thị trường bất động sản ở sẽ bước vào giai đoạn phát triển bền vững hơn trong trung hạn. Giá bất động sản tại thị trường sơ cấp, tức là các dự án được mở bán mới, sẽ tiếp tục xu hướng tăng và mức tăng này được kỳ vọng ở ngưỡng một chỉ số so với năm 2024.

Nói thêm về lý do đưa ra dự báo giá bất động sản thứ cấp sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh mặt bằng giá bất động sản nói chung đã ở mức cao, bà Hồng cho biết khi quan sát về danh mục dự án nằm trong kế hoạch mớ bán 2025 thì phần lớn sản phẩm vẫn đang tập trung vào phân khúc trung cấp và cao cấp.

Sản phẩm ở những phân khúc này sẽ đem đến chất lượng cao hơn và tiêu chuẩn bàn giao cao hơn. Cộng với việc nguồn cung chung vẫn tương đối hạn chế, không gia nhập vào thị trường một cách ồ ạt thì chi phí phát triển dự án sẽ có xu hướng tăng.

Song hành với xu hướng tăng giá, phía chủ đầu tư, nhà phát triển đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm áp lực đối với khả năng chi trả của người mua nhà ở thị trường sơ cấp, ví dụ như quá trình thanh toán linh hoạt, gói vay ưu đãi lãi suất cho những năm đầu

Một số ngân hàng đang đưa ra những cái gói hỗ trợ tài chính cụ thể cho người mua nhà. Điều này được kỳ vọng có thể làm giảm áp lực chi tr cho người mua sản phẩm trong thị trường sơ cấp trong thời gian tới, đặc biệt là người trẻ.

Ngoài ra, nhiều dự án sắp được mở bán mới vị trí ở tỉnh, thành vệ tinh nên có mức giá hợp lý hơn so với sản phẩm ngay trung tâm Hà Nội hay TP HCM. Việc lựa chọn vị trí này được củng cố bởi bởi triển vọng đầu tư cơ sở hạ tầng tích cực, từ đó tăng tính kết nối và thu hút người mua nhà.

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư chỉ được phép mở bán dự án chính thức sau khi hoàn thành móng đối với dự án cao tầng và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đối với dự án thấp tầng. Trước đó, thông thường chủ đầu tư sẽ tổ chức các sự kiện giới thiệu, ra mắt dự án. Quá trình này cũng góp phần cải thiện niềm tin của người mua nhà.

Bên cạnh các động lực từ vĩ mô, chính sách, vị trí, người mua nhà vẫn phải nhìn vào năng lực phát triển dự án của chủ đầu tư trong quá khứ, sự đón nhận của thị trường đối với những dự án trước đó như thế nào, từ đó có thể dự đoán được nhu cầu cũng như lượng giao dịch sắp tới của dự án mới.

"Tóm lại trong năm 2025, chúng tôi kỳ vọng lượng giao dịch bất động sản sơ cấp sẽ tăng vượt trội so với năm 2024 dựa trên 4 yếu tố: (1) Nhu cầu mua nhà ở vẫn duy trì ổn định; (2) nhu cầu đầu tư bắt đầu có dấu hiệu phục hồi so với 2023 – 2024; (3) nguồn cung sơ cấp dự kiến sẽ tăng, tiến độ pháp lý nó sẽ suôn sẻ hơn giai đoạn trước; (4) niềm tin của người mua nhà đang dần được củng cố", bà Hồng cho hay.  

Nguồn: Theo Hồng Vịnh  - Vietnambiz

1/4/25

Tối 31/3/2025, Quảng Bình đã ghi dấu mốc quan trọng khi chào đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới.


 

Sự kiện quan trọng này đánh dấu bước tiến lớn trong việc kết nối Quảng Bình với thị trường quốc tế, hứa hẹn mang lại những cơ hội du lịch và thương mại đột phá.

Chuyến bay VJ7173, do VietJet Air khai thác, đã cất cánh từ sân bay quốc tế Đài Bắc lúc 16h40 và hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới vào lúc 19h40 (giờ địa phương), mang theo 38 hành khách. Tại sân bay, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình Nguyễn Thị Bích Thủy cùng các đại diện lãnh đạo đã trực tiếp đón tiếp, tặng hoa và chào mừng đoàn khách và phi hành đoàn.

Trước đó, chuyến bay VJ7172 từ Đồng Hới đến Đài Bắc, chở 90 hành khách, cũng đã khởi hành vào lúc 12h40 và đến nơi vào lúc 15h40 cùng ngày.

Việc khai thác đường bay quốc tế Đồng Hới - Đài Bắc là một dấu ấn quan trọng trong nỗ lực kết nối Quảng Bình với thế giới. Sự kiện này càng trở nên đáng chú ý khi Cảng Hàng không Đồng Hới là một trong ba sân bay nội địa được phép cho người nước ngoài nhập cảnh và xuất cảnh bằng thị thực điện tử (E-Visa) theo Nghị quyết số 127/NQ-CP ban hành ngày 14/8/2023.

Theo kế hoạch, từ 31/3 - 13/10/2025, đường bay sẽ được khai thác với 26 chuyến bay (13 chuyến khứ hồi) sử dụng máy bay A320/A321. Theo VietJet Air, trung bình mỗi chuyến bay đạt khoảng 80 hành khách.

Chuyến bay Đồng Hới - Đài Bắc không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách Đài Loan tới Quảng Bình, mà còn là bước đệm quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Quảng Bình với du khách quốc tế. Thêm vào đó, từ 24/4/2025, đường bay Đồng Hới - Hà Nội cũng sẽ được khai thác trở lại, tăng cường kết nối giao thông, du lịch và thương mại cho Quảng Bình.

Với những bước tiến này, Quảng Bình đang trở thành điểm nóng trên bản đồ hàng không và du lịch khu vực, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển mới trong tương lai.

Nguồn: Công Nhật - Báo Công Lý

30/3/25

Với việc lãi suất ngày càng giảm, nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang các kênh sinh lời cao hơn. Trong đó, bất động sản đang là một “ứng cử viên” hàng đầu.


 

Dòng tiền đang tìm tới bất động sản

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% trong năm 2025, tương ứng với việc “bơm” khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng điều chỉnh hạ lãi suất tại Công điện số 19/CĐ-TTg, ban hành ngày 24/2/2025.

Chỉ khoảng một tháng sau, đã có 24 ngân hàng thương mại trong nước thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, với mức giảm dao động từ 0,1 - 2%/năm. Đây là lần thay đổi lớn nhất kể từ đầu năm đến nay, diễn ra đồng loạt ở cả tiền gửi tại quầy và trực tuyến.

Không chỉ vậy, từ cuối tháng 2/2025, nhiều nhà băng cũng đã tung ra các gói vay dành riêng cho người trẻ mua nhà. Tuy mức lãi suất về mặt lâu dài vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhưng đây cũng là một động thái cho thấy, dòng tiền đang được điều hướng để “chảy” vào lĩnh vực nào.

“Dòng tiền rẻ được bơm ra thị trường chắc chắn sẽ tìm đến các kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời tốt và có khả năng tích trữ tài sản lâu dài. Trong bối cảnh vàng đã tăng giá lên mức cao kỷ lục và biến động lớn, thì bất động sản và chứng khoán sẽ là những lựa chọn hàng đầu để dòng tiền trú ẩn”, các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định.

Việc thị trường địa ốc trở thành nơi hút vốn trong năm 2025 là điều đã được các chuyên gia dự báo từ trước. Từ góc độ vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, sức bật của thị trường đang được trợ lực bởi nhiều yếu tố. Tiêu biểu là đà tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2025. Song hành với đó là việc lạm phát được kiểm soát và lãi suất duy trì ở mức thấp.

Ngoài ra, những đột phá về thể chế, sự hoàn thiện trong quy hoạch các cấp và việc đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy cho sự bứt phá của thị trường bất động sản. Đặc biệt, ông Lực nhấn mạnh rằng, những áp lực về tài chính của doanh nghiệp địa ốc đã dần được gỡ bỏ và nhiều công ty đã thành công trong việc tiếp cận vốn.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan, so với thời điểm cuối năm 2023, tâm lý người mua nhà và giới đầu tư hiện đã chuyển sang một sắc thái hoàn toàn khác. Thay vì chỉ tìm hiểu và thăm dò, nhiều người sẵn sàng xuống tiền để mua bất động sản. Thậm chí, nhu cầu tìm mua đang hướng tới những phân khúc có khả năng sinh lời cao như đất nền.

Đồng quan điểm, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, tình hình giao dịch nhà ở và đất nền trong năm 2025 có thể sẽ sôi động hơn so với năm 2024. Đồng thời, mức giá dự kiến sẽ tăng khoảng 8 - 10% so với năm trước.

“Lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà ở tại các ngân hàng thương mại hiện nay đang ở mức hợp lý. Gói tín dụng ưu đãi đối với nhà ở xã hội đã được điều chỉnh giảm 2 điểm phần trăm so với thời điểm bắt đầu triển khai chương trình và có thể tiếp tục điều chỉnh giảm trong năm 2025. Đây sẽ là yếu tố tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong việc huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, Viện Kinh tế xây dựng phân tích.

Hướng đi của doanh nghiệp và nhà đầu tư

Trước diễn biến mới của thị trường, VARS khuyến nghị doanh nghiệp bất động sản nên tập trung vào các phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Đặc biệt, việc phát triển nhà ở xã hội và căn hộ trung cấp sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay cũng như nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Đây cũng chính là con đường mà ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT Trần Anh Group lựa chọn để dẫn dắt doanh nghiệp. Vị lãnh đạo này cho biết, công ty đã bỏ số tiền lớn để mua quỹ đất nhưng việc phát triển dự án rất chậm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. 

“Tuy nhiên, đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra lối thoát cho doanh nghiệp. Chúng tôi quyết định dành một số khu đất đang có, nộp hồ sơ phát triển dự án nhà ở xã hội. Với đề xuất này, chúng tôi ngay lập tức nhận được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Long An”, ông Trần Đức Vinh chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng từng nhận định rằng, nếu tính toán làm nhà ở thương mại, mức lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được sẽ khoảng 20%. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi pháp lý sẽ tương đối lâu. Mặt khác, nếu chuyển đổi qua làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư chỉ lãi khoảng 10%, nhưng khâu pháp lý sẽ được đẩy nhanh, từ đó giúp doanh nghiệp sớm thu hồi vốn và xử lý các khoản nợ.

Ở chiều hướng khác, với các nhà đầu tư cá nhân, phía VARS cho rằng, quyết định xuống tiền cần được đưa ra một cách thận trọng, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính. Ngoài ra, người mua cần tránh chạy theo tâm lý đám đông, bị dẫn dụ bởi những sản phẩm bị thổi giá quá mức.

“Nhà đầu tư nên ưu tiên các khu vực có tiềm năng phát triển thực sự, hạ tầng hoàn thiện và nhu cầu ở thực cao để đảm bảo hiệu quả đầu tư dài hạn. Nhìn chung, thị trường bất động sản năm 2025 đang có nhiều cơ hội phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tận dụng tốt những cơ hội này, các bên tham gia thị trường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt trong chiến lược để thích ứng với diễn biến mới”, VARS bình luận.

Nguồn: Báo Đầu Tư 

🧐TÌM BĐS QUẢNG BÌNH

Được tạo bởi Blogger.

📈SỐ LƯỢT XEM BĐS

🎬Video Mr Hùng Bất Động Sản

📝Giới thiệu Mr Hùng Bất Động Sản

⏳Thời Điểm Nhà Đất Lên Sàn

🏬Mặt Tiền Đường

Đ. 16-6 (1) Đ. 18-8 (1) Đ. 30-4 (1) Đ. 36M (1) Đ. BÙI QUỐC KHÁI (2) Đ. Bà Triệu (1) Đ. BẠCH ĐẰNG (1) Đ. BẾ VĂN ĐÀN (1) Đ. CAO VĂN LẦU (1) Đ. DƯƠNG PHÚC TƯ (11) Đ. DƯƠNG QUẢNG HÀM (2) Đ. DƯƠNG VĂN AN (1) Đ. HOÀI THANH (1) Đ. HOÀNG KẾ VIÊM (2) Đ. HOÀNG PHAN THÁI (1) Đ. HOÀNG SÂM (1) Đ. HÀ HUY GIÁP (1) Đ. HÀ HUY TẬP (2) Đ. HỒ CHÍ MINH (3) Đ. HỒ TÙNG MẬU (13) Đ. HỒNG CHƯƠNG (1) Đ. HỒNG QUANG (1) Đ. HỮU NGHỊ (2) Đ. LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA (4) Đ. Linh Giang (1) Đ. LÂM UÝ (1) Đ. LÊ LAI (1) Đ. LÊ LỢI (1) Đ. LÊ NGÔ CÁT (1) Đ. LÊ QUANG ĐẠO (1) Đ. LÊ VĂN THIÊM (1) Đ. LÊ VĂN TRI (1) Đ. LÊ XUÂN ANH (2) Đ. LÊ ĐÌNH CHINH (5) Đ. Lý Thánh Tông (4) Đ. LƯU HỮU PHƯỚC (2) Đ. MINH MẠNG (2) Đ. MẠC THÁI TÔNG (2) Đ. NAM TRUNG TRƯƠNG (1) Đ. NGUYỄN BỈNH KHIÊM (2) Đ. NGUYỄN CÔNG TRỨ (1) Đ. NGUYỄN DU (3) Đ. NGUYỄN DUY TRINH (2) Đ. NGUYỄN GIẢN THANH (2) Đ. NGUYỄN HIỀN (1) Đ. NGUYỄN HỮU DẬT (2) Đ. NGUYỄN LÂN (1) Đ. NGUYỄN LƯƠNG BẰNG (2) Đ. NGUYỄN THỊ ĐỊNH (14) Đ. NGUYỄN TRÃI (1) Đ. NGUYỄN TRỰC (1) Đ. NGUYỄN VĂN CỪ (1) Đ. NGUYỄN ĐÌNH TÂN (1) Đ. NGUYỄN ĐÌNH TƯ (1) Đ. NGUYỄN ĐĂNG GIAI (2) Đ. NGÔ GIA TỰ (1) Đ. NGÔ SỶ LIÊN (1) Đ. NGÔ THẾ LÂN (1) Đ. NGÔ THỊ NHẬM (1) Đ. NGÔ ĐỨC KẾ (1) Đ. NHẬT LỆ (8) Đ. PHAN BÁ VÀNH (2) Đ. PHAN HUY ÍCH (1) Đ. PHAN ĐÌNH PHÙNG (1) Đ. PHAN ĐĂNG LƯU (1) Đ. PHÓ ĐỨC CHÍNH (1) Đ. PHẠM HỒNG THÁI (1) Đ. PHẠM VĂN HAI (2) Đ. PHẠM VĂN ĐỒNG (2) Đ. PHẠM XUÂN ẨN (1) Đ. PHẠM ĐÌNH HỔ (1) Đ. Phùng Hưng (1) Đ. QUANG TRUNG (3) Đ. THANH NIÊN (1) Đ. TRUNG THUẦN (1) Đ. TRƯƠNG PHÁP (1) Đ. TRƯƠNG PHÚC HÙNG (1) Đ. TRƯƠNG PHÚC PHẤN (1) Đ. TRẦN BÌNH TRỌNG (1) Đ. TRẦN HƯNG ĐẠO (3) Đ. TRẦN NHÂN TÔNG (2) Đ. TRẦN NHẬT DUẬT (1) Đ. TRẦN TÁO (3) Đ. TRẦN VĂN BẢO (1) Đ. TÔ HIẾN THÀNH (1) Đ. TÔ VĨNH DIỆN (2) Đ. TẠ QUANG BỮU (2) Đ. TỈNH 562 (1) Đ. VÕ NGUYÊN GIÁP (3) Đ. VÕ THỊ SÁU (1) Đ. VŨ TRỌNG PHỤNG (1) Đ. XUÂN QUỲNH (1) Đ. ĐINH TIÊN HOÀNG (1) Đ. ĐIỆN BIÊN PHỦ (6) Đ. ĐT569 (1) Đ. Đoàn Chí Tuân (1) Đ. ĐÔNG DU (1) Đ. ĐẶNG THÁI MAI (1) Đ. ĐẶNG VĂN NGỮ (1) Đ. ĐỒNG HẢI (1) Đ. ĐỒNG LỰC (1) Đ.19-8 (1) Đ.CÔ TÁM (1) Đ.HÀ HUY TẬP (1) Đ.HỒNG QUANG (1) Đ.LÊ XUÂN ANH (1) Đ.LÝ THÁI TỔ (1) Đ.LÝ THÁNH TÔNG (2) Đ.MINH MẠNG (1) Đ.NGUYỄN HIỀN (3) Đ.NGUYỄN QUỐC TRINH (2) Đ.NGÔ GIA TỰ (3) Đ.NGÔ SỶ LIÊN (1) Đ.NHẬT LỆ (3) Đ.PHAN ĐÌNH PHÙNG (2) Đ.TRẦN NHẬT DUẬT (1) Đ.TRẦN VĂN BẢO (4) Đ.XUÂN QUỲNH (1) Đ.ĐOÀN CHÍ TUÂN (1) Đ.Đào Trinh Nhất (4)

📊Nhà Đất Quan Tâm Nhiều